Thi vào lớp 10 và THPT quốc gia có bị ảnh hưởng?
VHO- Tính đến chiều qua 16.2, tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, trong đó 56 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2. Cá biệt có địa phương đang đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3 và chưa thông báo thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài đến thời điểm nào.
Nhiều trường ĐH tại TP.HCM thực hiện vệ sinh khử trùng
Trước tình hình như vậy, mối quan tâm của phụ huynh học sinh là Bộ GD&ĐT sẽ bố trí chỉnh sửa kế hoạch năm học như thế nào, đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp THCS và thi THPT năm nay.
Theo thông báo mới đây của Bộ GD&ĐT, căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ đã quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết để các địa phương xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên cho tới thời điểm nay, kế hoạch chi tiết điều chỉnh và kết thúc năm học, đặc biệt là lịch thi THPT quốc gia ra lại chưa được công bố.
Đề cập về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, một năm học có những mốc thời gian phải thực hiện như thời điểm kết thúc, hoàn thành xét tốt nghiệp tiểu học, THCS, tuyển sinh vào lớp 10. Khi lùi thời gian kết thúc năm học, các mốc trên cũng phải điều chỉnh dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học tiếp theo. Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ GD&ĐT là 37 tuần, trong khi chương trình học được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này và thời gian kéo dài năm học để bố trí dạy học bù.
Ngoài ra, chương trình 35 tuần được thiết kế học 1 buổi/ngày. Đối với các trường có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì việc bố trí dạy bù sẽ thuận lợi hơn. Đối với các trường dạy 1 buổi/ngày thì tuỳ điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, có thể bố trí lần lượt cho mỗi lớp HS được học bù một số buổi mỗi tuần để bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình học. Đối với kỳ thi cuối cấp, tinh thần là cơ quan quản lý rút gọn thời gian chuẩn bị hoạt động giáo dục để ôn tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh. Ví dụ, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 6 tuần thì nên rút lại thực hiện trong 4-5 tuần. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia cho phù hợp. Hướng dẫn này sẽ có trước khi học sinh quay trở lại trường, để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.
Về thời gian thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học đã được điều chỉnh. Thời điểm thi THPT quốc gia có thể lùi hơn so với các năm học trước, nhưng phải trên cơ sở làm thế nào không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch năm học tiếp theo, như kế hoạch tuyển sinh vào đại học của các nhà trường. Trên nguyên tắc như vậy, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công văn nêu rõ, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, các sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố về việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực. Đồng thời, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định.
Riêng đối với tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, học sinh ở tỉnh này nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương. Nếu đủ thẩm quyền, Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết định. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ GD&ĐT xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc này. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nếu quan điểm, căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Trên thực tế, học sinh lớp 12 có kỹ năng tự bảo vệ mình và thể lực tốt, có thể tính toán, cân nhắc cho đến trường trước để tiếp tục chương trình học, sau đó đến các cấp học tiếp theo…
QUỐC HÙNG